Trận tấn công quận lỵ Cần Đước – 12/1967

0
424

NHÂM HÙNG

Vào thời chiến tranh chống Mỹ, ấp Châu Thành, xã Phước Đông là một nửa địa bàn quận lỵ Cần Đướcvề phía Đông, (nay là các khu phố 2, 3, 4), trung tâm là Ngã ba cây xăng  – Bến xe đò. Địa bàn ấp khá rộng, vị trí xung yếu, chiến lược, nhằm bảo vệ cơ quan đầu não quận lỵ, cũng như con đường huyết mạch Sài Gòn – Cần Đước – Gò Công. Do vậy, ngoài trụ sở xã Phước Đông, thì luôn có Bộ chỉ huy các đơn vị quân chủ lực VNCH trú đóng, như tiểu đoàn 2 Thủy quân lục chiến, trung đoàn 46 Sư đoàn 25 bộ binh, chưa kể đại đội lính bảo an đóng ở lầu Bà Sáu, và trung đội lính nghĩa quân ở bót Cầu Chùa…

Không khí chiến sự luôn bao trùm trung tâm quận Càn Đước – Ảnh Internet

Đến cuối năm 1966, khi quân Mỹ đổ bộ Rạch Kiến, cường độ chiến tranh hết sức ác liệt. Để an toàn, đảm bảo việc học, nhiều học sinh Trung học Cần Đước quê ở Rạch Kiến, Rạch Đào, Kinh Nước Mặn, Cầu Nổi, Phước Tuy, Tân Chánh…phải tìm chỗ trọ ngoài chợ quận hoặc khu vực Ngã Ba bến xe.

Binh lính VNCH đóng trong quận càng đông, thanh thế  Mặt trận giải phóng càng mạnh mẽ. Xóm dân cư ven quận lỵ, gọi là vùng “xôi đậu”. Bởi ngày có mặt lính quốc gia, đêm tối bên Giải phóng về. Hành khách đi xe đò Sài Gòn-Cần Đước bị mắc mô nhiều hơn. Có chuyến xe chiều về phải dừng lại ở đoạn Nhà Dài, để bên Giải phóng mời hành khách vô đình, nghe nói chuyện về tình hình giải phóng. Một buổi chiều, tôi được dịp làm “ cử tọa”, cùng mấy chục khách xe đò lần đầu tiên tạn mặt các anh cán bộ, du kích. Ô ! họ có gương mặt thân thiện quá, ăn nói mộc mạc mà lý lẽ chánh trị thuyết phục. Nghe đâu, có lần đang sinh hoạt, thì có tin lính quận hành quân lên, khiến toàn bộ hành khách được đưa vô sâu vùng giải phóng. Họ được đải cơm nếp thịt gà, ngủ lại nhà dân trong xóm, sáng mai mới ra lộ, hú hồn, rồi lên xe về!


Chốt canh của VNCH được chế chắn để bảo vệ sự công phá của VC – Ảnh Internet

Lúc này, gia đình tôi đã chuyển lên tỉnh Hậu Nghĩa làm ăn, tôi và  người em (Nhâm Kính) ở lại giữ nhà ở Ngã ba, vừa đi học.Nhà rộng, nên nhóm bạn học thường tụ tập đờn ca, bàn chuyện chiến sự, rồi chè, cháo rất vui, lắm khi ngủ lại 4-5 đứa. Anh em tôi cùng Lê Hồng Hoàn, Nguyễn Văn Ngọc là trụ cột, sau có thêm Đỗ Gia Trinh, Võ Tấn Bổn, Lâm Huỳnh Sen, Mãnh, Mân, Hai Tưởng… Tuy giấy tờ chưa tới tuổi quân dịch, nhưng đứa nào tướng tá cũng lớn sộn, khi ra đường gặp cảnh sát cũng ngán lắm.

Kỷ niệm khó quên nhất là khi tôi rủ nhóm bạn về ở Trường Tàu Kiều Quang học hiệu, vừa trông coi Trường (vì gia đình tôi nằm trong Bang Hoa kiều), vừa đi học. Nơi đây, chúng tôi có nhiều niềm vui, buồn, kể cả sự căm hận. Đặc biệt nhất, là nổi kinh hoàng khi trực diện đạn nổ, bom rơi.

Trong không khí chiến sự nặng nề, lính tráng tăng cường hành quân, ruồng bố “Việt Cộng” (VC), thì một tốp sĩ quan, binh lính Ban 2 trung đoàn 46, “tự nhiên” ập vô ở chung chúng tôi tại ngôi trường Kiều Quang. Chúng tôi hết sức lo lắng, khiếp đảm khi chứng kiến họ làm những điều tàn ác. Cứ vài hôm, lại bắt bớ mấy người dân quê đi chợ, đưa vô tra tấn kêu cung khai, vì bị tình nghi là tai mắt “VC”ra quận do thám. Lần đó, chúng tôi tận mắt thấy một chị phụ nữ bi bọn Ban 2 đánh tơi tả, bầm dập. Đau đớn nhất, là hết màn tra điện đến chết ngất, tới cách đổ nước xà bông vô mặt, mũi cho cay xé, mặc cho nạn nhân sặc sụa, la khóc. Mỗi lần như vậy, tôi bỏ ăn mấy ngày, vô lớp không còn thiết tha sự học, lòng căm thù chế độ càng dâng cao. May mà bọn lính chỉ đóng chừng mười ngày rồi rút đi, nhưng nổi ám ảnh lần ấy với tôi là suốt đời!


Cuộc hành quân của lính Mỹ và VNCH tại Long An – Ảnh Internet

Vào một đêm, cuối tháng 12. 1967, nhóm bạn chúng tôi dang ngủ tại trường Kiều Quang, bổng choàng tỉnh giấc, khi nghe hàng loạt tiếng đại liên, súng cối, đại bác nổ ầm ầm, lại thêm tiếng súng trường liên thanh chát chúa, rợn người như sát bên tai. Có bạn vọt miệng: “Mấy Ổng tấn công vô lầu Bà Sáu rồi!”. Chúng tôi chưa biết sợ chiến tranh, nên cứ ngóng cổ nghe súng nổ, mà bàn luận. Nhưng chừng 10 phút sau, mấy chiếc L19 bay vòng vòng thả trái sáng, rồi trực thăng quần thảo bắn đại liên xuống quanh khu vực lầu Bà Sáu. Trời đêm bổng sáng như ban ngày, thấy rõ lính Mỹ xạ thủ đại liên từ trên trực thăng. Lắm lúc, tưởng như bắn vô chúng tôi, nên ai cũng khiếp đảm chạy tìm chỗ trốn, chui vô chuồng vịt, hay nép sát hồ nước.v.v.

Tới độ 5- 6 giờ sáng, tiếng súng im dần, pháo sáng ngưng bắn lên. Chúng tôi nói với nhau:“Chắc mấy Ổng rút đi rồi !”. Anh em tôi chạy một mạch chạy về Ngã ba, coi nhà cửa ra sao. Lính đầy đường, mặt căng thẳng, súng lăm lăm trên tay. Thấy nhà mình không bị gì, anh em tôi mừng thầm; Chợt nhìn qua nhà Thông tin bên cạnh, thấy để 4-5 xác lính sư đoàn 25. Lại nghe mấy ông xe đò nói lén: “Phía căn cứ pháo binh, ấp chiến lược – chùa Phước Thiện, hướng cầu Chùa, tỉnh lộ 5, lộ Cũ, lầu Bà Sáu, nhà máy Bảy Tươi, Xã Hồi… chỗ nào cũng đánh nhau dữ lắm” !
Tôi chợt nhận ra: Lần đầu tiên trong lịch sử hình thành, chiến tranh đã thật sự vào phố thị Cần Đước ! Về sau, biết thêm thông tin từ bạn Võ Tấn Bổn, nhà ở sát ấp chiến lược kể: “Bên phía giải phóng cắt rào gai, đánh vô căn cứ pháo binh không thành. Trung đội 105 ly phản kích cho bắn trực xạ, cùng đại bác 155 ly từ đồn Rạch Gốc bắn lên yểm trợ, khiến 3 anh Giải phóng hy sinh. Dân ở gần chùa Phước Thiện có đến 4 người trúng đạn chết, trong đó có em của bạn Bảo (Nhóm 468) và một số lính, dân bị thương được trực thăng chở đi.

Sau chiến trận, có một câu chuyện ứng xử rất “lòng dân”: Mờ sáng, bà Tám Tân gần đó bơi xuồng theo con rạch ra đồng, bất ngờ phát hiện một anh giải phóng bị thương, nằm đó. Bà chạy vội vô căn cứ Vườn cò báo tin phía bên kia, kịp thời đưa anh về vùng Giải phóng an toàn.

Khi tôi viết bài này, bạn Ba Đông, cung cấp thêm một số thông tin chi tiết: “Đêm đó, nghe súng nổ một chốc, thì Ông Hai Miên, trung đội trưởng đồn nghĩa quân Cầu Chùa bỏ đồn lột áo mặc quần lội băng sông qua Xóm Đáy thoát thân. Cả trung đội cũng mạnh ai nấy chạy, cũng lội băng sông qua xóm Đáy.

Chiến trận diễn ra ác liệt, trên đường phố từ cầu Chùa đến Ngã Ba bến xe. Bị đánh bất ngờ, khiến nhiều sĩ quan, binh lính một đơn vị thuộc trung đoàn 46, sư đoàn 25 đang đóng quân, bị thương vong khá nặng. Đặc biệt, khi quân Giải phóng rút đi, đã gài mìn lại, làm kho đạn cùa đơn vị trung đoàn 46 phát nổ “long trời lỡ đất”. Tại khu vực Lầu Bà Sáu, nơi đại đội địa phương quân của quận trú đóng, quân Giải phóng nổ súng tràn vô, lính tráng bỏ chạy hết, nghe nói có 2 cố vấn Mỹ may mắn thoát được ra ngoài, lẫn trốn an toàn. Đêm ấy, chiến trận chỉ diễn ra trên địa bàn ấp Châu Thành, bên này cầu Chợ. Phía bên dinh quận, hầu như không nghe tiếng súng.

Sau trận tấn công đó, phía VNCH cũng cố binh lực phòng thủ, dân phố chợ tập tành làm hầm “trảng xê”, để ẩn núp tránh đạn bom. Đám bạn học chúng tôi thêm “già dặn”, biết lo xa. Ngày nào đó, bên giải phóng lại tấn công quận lỵ một lần nữa chăng? Và đúng thật, ngay tết Mậu Thân 1968 – chiến tranh đã vào phố thị Cần Đước lần thứ hai. Lần này, tôi không có dịp chứng kiến, vì đã rời xứ Cần Đước. Sau đó, nhóm bạn học chúng tôi cùng dần chia tay, vì lệnh tổng động viên…

Nhâm Hùng

 

Bài trướcCó một tượng Nữ thần Tự do ở chợ Cần Đước
Bài tiếp theoNhờ Người Cần Đước: Em Như Quỳnh đã tìm được mẹ sau 26 năm thất lạc!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây