Về quê tảo mộ

1
573

THANH MINH

Người Việt Nam nói chung, Người Cần Đước nói riêng những ngày Tết nhà cửa phải được dọn dẹp sạch sẽ, trang hoàng tươm tất để chào đón năm mới. Bên cạnh đó những ngôi mộ cũng được “làm mới” như nhà của mình, Người Cần Đước cũng không quên phong tục tốt đẹp: tảo mộ.


Quang cảnh tảo mộ ở làng quê Cần Đước

Sáng nay ngày 25 tháng chạp, tôi dậy thật sớm để kịp đến khu mộ họ hàng trước 7.30 giờ sáng theo lịch hàng năm của dòng họ.

Từ Sài Gòn về Cần Đước không quá 40 cây số nhưng tôi phải mất gần 2 giờ đồng hồ để vượt qua dòng xe chen chúc của quốc lộ 50. Theo con đường Nguyễn Văn Linh thênh thang nhưng đến khoảng sắp quẹo vào quốc lộ 50 thì kẹt cứng, nào xe gắn máy xe ô tô nối đuôi nhau đổ về Cần Giuộc, Cần Đước, Gò Công, phần lớn những người tham gia giao thông sáng nay đều về quê tảo mộ. Ngoài dụng cụ tảo mộ như dao, hái, chổi, hoa, đồ cúng… một số người mang vợ con, quà Tết về quê ăn Tết nên tình trạng ùn tắt giao thông không thể tránh khỏi. Tuy vậy, không như dự đoán, năm nay đường thông thoáng hơn, có lẽ một phần dịch tạm lắng còn nhiều người đang ở quê chưa trở lại thành phố làm việc, mặt khác các chiến sĩ cảnh sát giao thông luôn túc trực những điểm thường kẹt xe, nhất là những cửa hàng bán vịt quay, bánh mì nên việc đi lại không căng thẳng như mọi năm.

Con cháu quây quần khu mộ dòng họ để dọn dẹp, Sơn phết lại ngôi mộ

Khu mộ dòng họ của tôi nằm ven thị trấn Cần Đước và hai khu mộ khác ở chân cầu Mỹ Lợi và xóm Mương, tôi phải mất hết buổi sáng mới viếng cả ba khu mộ cách nhau bài cây số. Thật ra sự có mặt của tôi mang tính “nghi lễ” nhiều hơn vì các cháu đã có mặt từ sớm đã phân công nhau người làm cỏ, người sơn lại những ngôi mộ đã tàn phai theo năm tháng.Chùa Thọ Vức xã Phước Đông được trùng tu khá khang trang

Tảo mộ là một trong những nét văn hóa rất đặc trưng của người Việt Nam. Tục lệ này thể hiện lòng hiếu thảo, thể hiện sự kính trọng của con cháu đối với tổ tiên, các đấng sinh thành và những người đã khuất. Nói cách khác, tảo mộ chính là hoạt động dọn dẹp cỏ dại, sửa sang, quét dọn lại phần mộ của những người thân đã mất trong gia đình trước khi Tết đến xuân về nên gia đình nào cũng dành thời gian để “làm đẹp”ngôi mộ người thân, coi như đây là nghĩa vụ của mọi gia đình mình.

Đường làng quê khang trang hơn

Theo thông lệ tảo mộ diễn ra vào thời điểm cận Tết, tuỳ theo gia đình họ hàng sẽ chọn một ngày cố định từ 20 tháng chạp đến ngày 30 Tết để tảo mộ. Tuy vậy ngày 25 tháng chạp được nhiều gia đình chọn lựa nên người về quê rất đông, không khí nhộn nhịp như ngày Tết, các khu mộ “láng giềng” hầu như  là người cùng xóm, cùng làng gặp nhau ơi ới nhất là những người ở xa quê hôm nay mới về tảo mộ.


Miếu Bà Ấp 4 Xóm Mương được trùng tu để chuẩn bị tổ chức cúng miễu vào mùng 9-10 Tết Nhâm Dần.

 


Những ngôi mộ hôm qua còn lạnh lẽo, cỏ mọc um tùm, hôm nay được con cháu dọn dẹp, sơn phết sạch sẽ để chào đón ông bà tổ tiên “về quê” ăn Tết trong lòng kính trọng của người thân!

Ngôi nhà mới của cư dân ven thị trấn Cần Đước đang được hoàn thiện chào đón năm mới.
Ngoài những ngôi mộ được chăm sóc khang trang tươm tất, về quê tảo mộ năm nay làng quê Cần Đước có thêm nhiều nhà mới, đường xá vào làng quê được mở rộng thông thoáng hơn 
để chào đón năm mới an vui sau những tháng ngày căng thẳng với đại dịch.

Thanh Minh
25 tháng chạp năm Tân Sửu.

Bài trướcTính cách Người Cần Đước
Bài tiếp theoNăm dần nói chuyện cọp: Phụ nữ Cần Đước đấu với cọp!

1 BÌNH LUẬN

  1. Phong tục tảo mộ thật dễ thương, nhiều ý nghĩa lại nhằm vào dịp cuối năm nên khi đọc bài thấy lòng lâng lâng nhớ thương những cái Tết quê nhà. Năm mới mong bình yên đến cho mọi người mọi nhà.

Trả lời Nguyễn văn Lợi Hủy trả lời

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây