Người Cần Đước ở Sài Gòn!

0
541

THANH MINH – LÝ QUÍ

Không thể thống kê đầy đủ có bao nhiêu người dân Cần Đước đang sinh sống và làm ăn tại Sài Gòn, nhưng con số nầy không nhỏ và có nhiều người Cần Đước đóng góp rất lớn cho thành phố này.

Đông nhất có thể nói quận 8. Nơi đây có bến xe đò Xóm Củi (chân cầu Chà Và hiện nay đang xây dựng toà nhà cao tầng) có từ bao đời nay và bến xe Ký Thu Ôn hiện nay. Có biết bao người Cần Đước kinh doanh mua bán và sinh sống ở hai bến xe nầy và dần dần lập cơ nghiệp và sinh sống ở gần khu vực nầy như Bến Ba Đình, Phạm Thế Hiển, Lộ Đỏ, Liên tỉnh lộ 5 (nay là quốc lộ 50)…
Mặt khác, Cần Đước nổi tiếng là đóng ghe và vận chuyển hàng hoá từ miền Tây đến Sài Gòn qua các bến Bình Đông, bến Hàm Tử, bến Chương Dương…Lúc đầu họ là những người buôn bán, vận chuyển hàng hoá nhưng cũng có nhiều người mang cả gia đình sinh sống trên ghe, cất lều tạm bờ trên các bến sông để buôn bán, dần dần trở thành ngôi nhà sàn ở bến Bình Đông, bến Hàm Tử…như anh Phạm Ngọc Hồng cho biết “Tôi sinh ra ở xã Phước Tuy Cần Đước lên Sài Gòn thời ông Diệm thấy bà con quê mình sống tập trung ở bến Chương Dương, bến Hàm Tử, bến Bình Đông…”


Chợ Cần Đước ngày xưa – Ảnh Internet

Những ai đã sống Sài Gòn trước 1975 đều biết trên bến Hàm Tử (Võ Văn Kiệt ngày nay) có nhiều trại mộc, hỏi ra đều dân Cần Đước! Rất tiếc hiện nay những căn nhà trên bờ sông dọc theo theo Bến Hàm Tử đã giải toả, những trại mộc ở đây cũng “di tản” khắp nơi trong thành phố.

Cần Đước ngày xưa rất nghèo, chủ yếu làm ruộng vào mùa mưa, mùa nắng thì thất nghiệp, gia đình nào có người ở Sài Gòn thì rủ nhau lên Sài Gòn để kiếm việc làm. Hoặc do hoàn cảnh trốn lính bỏ quê hương lên Sài Gòn làm ăn. Cụ thể có dân Cần Đước chuyển lên Gò Vấp lánh nạn bằng nghệ nuôi gà công nghiệp, lúc đầu một hai gia đình nuôi gà, ít lâu sau cả xóm nuôi gà hầu như là dân Cần Đước. Hiện nay Xóm Gà có gần 20 gia đình gốc Cần Đước sinh sống nơi đây.


Hoa Điệp – loài hoa dại ở Cần Đước.

Từ lâu đời Cần Đước thuộc tỉnh Chợ Lớn, năm 1956 tách ra thuộc tỉnh Long An nhưng do đi lại khó khăn, hơn nữa Sài Gòn là thành phố lớn nên mọi quan hệ, giao dịch dân Cần Đước gắn liền với Sài Gòn hơn Tân An (thủ phủ của Long An). Ngay cả việc thi Tú Tài hằng năm học sinh Cần Đước đều thi ở Sài Gòn trong khi các địa phương khác của Long An phải thi ở Tân An.
Không riêng học sinh Cần Đước đậu Tú Tài I, Tú Tài II, vào đại học làm việc tại Sài Gòn, một số người dân Cần Đước cũng chọn Sài Gòn là quê hương thứ hai.


Làng quê Cần Đước ngày nay – Ảnh Thanh Minh

Người Cần Đước nổi tiếng giàu có ở Sài Gòn vào những năm trước 1975 phải kể đến Bà Hai Xiếm chủ nhà thuốc tây Mỹ Phương ở chợ Cần Đước có nhà thuốc Tây Mỹ Châu ở chợ Cầu Ông Lãnh. Ông Năm Chôm chủ vựa cá chợ Trần Quốc Toản gốc Bà Lựu. Ông Ba Ơn chủ hãng cán viết gốc Tân Lân. Bà Chín Tốt chủ hãng nước mắm ở quận 8 có nhà ở Nguyễn Trãi quận 1 nay là là Cafe 343…Đặc điểm chung của họ là người giàu có nhưng luôn giúp đỡ đồng hương, nhất là những người nghèo khó, họ tạo công ăn việc làm, học hành.

Qua nhiều thế hệ, cộng động người Cần Đước ở Sài Gòn khá đông, nhiều người con Cần Đước thành đạt, họ đã và đang có vị trí trong xã hội như GS. TS. Nguyễn Đông Phong đang đảm nhiệm Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Kinh tế, PGS. TS. Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn, nhà giáo Nguyễn Tiến Đạt, Phó giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo TP. Trần Văn Mui, Phó giám đốc Sở Thể Thao TP, đại biểu quốc hội LS. Trương Trọng Nghĩa, TS.LS. Nguyễn Thế Phong, TS. LS. Nguyễn Văn Thọ. Giới văn nghệ sĩ có những đồng hương nổi tiếng như Hương Huyền, Hương Sắc, Thanh Hằng…Đối với lãnh vực báo chí có nhà báo Trần Văn Thuận, Giám đốc đài Tiếng nói nhân dân TP. HCM, nhà báo Nguyễn Thanh Minh, Tổng biên hiệp Báo Doanh Nhân Sài Gòn. Trong giới kinh doanh có doanh nhân Thái Tuấn Chí, Nguyễn Thành Bá, Vua nấm linh Chi Cổ Đức Trọng… họ có nhiều đóng góp cho thành phố cho xã hội.

Trường Trung học Cần Đước – nơi đào tạo nhiều nhân tài cho xã hội

Thỉnh thoảng trên trang Người Cần Đước giới thiệu hình ảnh “Cần Đước ngày xưa” như ngôi trường Trung học Cần Đước, chợ cá, cầu Cần Đước, các món ăn dân dã như mắm còng, bánh in, nghề dệt chiếu…đều được nhiều người quan tâm tìm hiểu, nhiều bạn không quên được ký ức thời thơ ấu, nhớ về quê nghèo, nhớ về về “cua đinh – Cần Đước”!
Người Cần Đước ở Sài Gòn luôn hướng về Cần Đước với những chương trình từ thiện như tổ chức Tết Trung thu cho thiếu nhi, khám bệnh phát thuốc miễn phí cho người nghèo, xây nhà tình thương, giúp học cụ cho các trường học, trao học bổng cho học sinh nghèo…và nhiều hoạt động thiện nguyện khác.

Người Cần Đước ở Sài Gòn luôn hướng về cội nguồn, luôn nhớ về quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn và trang Người Cần Đước trở thành “người kết nối” để gắn chặt những người Cần Đước với nhau gần hơn.

Thanh Minh – Lý Quí

 

Bài trướcNọc cấy lúa là loại nông cụ thông dụng ở Cần Đước – nay còn đâu!
Bài tiếp theoNgười Cần Đước sống ở Mỹ như thế nào?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây