Nguyễn An Ninh với Cần Đước

0
281

ThS NGUYỄN VĂN ĐÔNG

Tìm hiểu sinh hoạt xã hội ở Nam Kỳ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, nhiều người đã quan tâm tới hiện tượng “hội kín”. Đây là những nhóm người bí mật liên kết với nhau, nói chung thường không có tôn chỉ, cương lĩnh cũng như tổ chức rõ ràng, song đều mang tính chất đối kháng với chính quyền, chế độ. Nó là loại tổ chức mang tính chất tự phát của nông dân, dân nghèo thành thị, dễ bị chi phối bởi những cá nhân có tài năng, chí khí và uy tín vượt trội và khi ấy tính chất tương trợ lẫn nhau của hội nhường chỗ cho tính chất chính trị đậm nét hơn.


Ở Cần Đước, những hội kín kiểu này được những người đi ghe thương hồ tới các tỉnh miền Tây học tập mang về, với hình thức buổi đầu là các tổ chức kiểu Hội đồng hương sau nâng lên thành tổ chức bí mật của những người cứu khổn phò nguy, hành hiệp trượng nghĩa.
Chưa rõ các Hội này ra đời từ lúc nào, do ai sáng lập, nhưng một trong những người nổi tiếng của loại tổ chức này ở Cần Đước là ông Nguyễn Văn Năm, còn gọi là xã Ngựa (làm xã trưởng và thường đi ngựa), người thôn Tân Lân.
Cuối thế kỷ XIX, ở Cần Đước đã có nhiều hội kín ở các thôn Long Định, Long Cang, Long Khê, Tân Lân, Phước Đông, …với những ám hiệu để các hội viên nhận biết, liên lạc với nhau khá phong phú như cách cầm dù, cách so đũa ăn cơm, cách dùng gàu tát nước úp trên cột chèo, cách lái ghe, cách thắt nút khăn và màu khăn chít ở đầu… Nhân dân Cần Đước đến nay còn nhắc nhở về thành viên của các hội kín này như ông Tổng Đâu, Nguyễn Văn Ảng, Nguyễn Văn Vượng ở Long Khê; xã Bửu, Nguyễn Văn Hiếu, Ngô Thuyết Tùng, Phạm Văn Cứ, Nguyễn Văn Xuyến ở Phước Đông; Chủ Tấn, Trần Thiên Mi ở Long Định,… chuyên đi cướp của nhà giàu và ghe buôn chia lại cho dân nghèo.
Ở Cần Đước, buổi đầu các hội kín thu hút nhiều người thuộc tầng lớp trên, về sau dân nghèo tham gia ngày càng đông. Chính từ các hội kín này mà cơ sở đầu tiên của phong trào Phan Xích Long đã hình thành, một phong trào thể hiện khá rõ nét nhận thức chính trị của nhân dân Cần Đước vào khoảng những năm trước Đại chiến thế giới lần thứ nhất (1914-1918). Và sau đó là hội kín Nguyễn An Ninh.
Nguyễn An Ninh du học Pháp có bằng tiến sĩ. Năm 1922, Nguyễn An Ninh từ Pháp trở về nước, diễn thuyết ra mắt công chúng ở Nam Kỳ đã kích chính sách của nhà cầm quyền thực dân, đặc biệt là chính sách ngu dân và bóc lột bằng thuế rượu, thuế thuốc phiện. Ông lập Hội khuyến học có trụ sở đặt tại Gò Đen, giáp ranh Cần Đước. Năm 1923, ông lập ra tờ báo Tiếng chuông rè (La Cloche félée) có tư tưởng chống Pháp và trực tiếp mang báo đi bán ở các nơi để tuyên truyền. Năm 1926, ông cùng Nguyễn Văn Tạo lập ra tổ chức “Thanh niên cao vọng đảng” để tập hợp những người giác ngộ yêu nước, mà nhân dân vẫn quen gọi là “Hội kín Nguyễn An Ninh”.
Năm 1925, Nguyễn An Ninh đến xã Long Hiệp (nay thuộc huyện Bến Lức) liên hệ với ông Hội đồng Võ Công Tồn để tuyên truyền, vận động nhân dân. Hình thức hoạt động bán công khai này đã có ảnh hưởng rộng rãi và tác dụng tích cực, vì nó phù hợp với lề lối tổ chức “hội kín” của nhân dân địa phương trước đó, đồng thời phù hợp với nguyện vọng yêu nước của nhiều tầng lớp xã hội. Số thanh niên trí thức trên xuất thân từ tầng lớp trên ít nhiều có tinh thần dân tộc, bất mãn với chế độ thuộc địa tích cực tham gia còn tầng lớp nông dân, dân nghèo vốn căm thù thực dân và tay sai thì tin tưởng vào Nguyễn An Ninh – một tri thức yêu nước mà sự hiểu biết có thể lãnh đạo họ đấu tranh có hiệu quả.
Hội kín Nguyễn An Ninh dần dần định hình và phát triển mạnh ở Cần Đước. Hội đồng Đỗ Đăng Sóc, người Phước Hội, bạn thân của Hội đồng Võ Công Tồn đã góp phần quan trọng trong việc gây dựng tổ chức này, đặc biệt ở vùng chợ Phước Vân. Cùng với ông Sóc, các ông Nguyễn Văn Hân, Nguyễn Văn Thân, Nguyễn Văn Phu, cũng là những người nòng cốt. Ở vùng Long Cang, Long Định có ông Phấn, còn gọi là cù là Phấn (người Long Hiệp, có vợ quê ở Long Cang làm nghề bán dầu cù là) đến tuyên truyền các ông Trương Văn Để, Trương Văn Đời, từ đó mở rộng ảnh hưởng hội kín Nguyễn An Ninh, thu hút nhiều người địa phương tham gia. Ở ấp 3, ấp 4 thôn Long Cang có các ông Trương Văn Nhựt, Trương Văn Giáo, Trương Văn Tâm, Bùi Văn Thơm, Phan Văn Dĩ,… gia nhập tổ chức, lấy nhà ông Dĩ làm nơi hội họp thường xuyên để tuyên truyền, với sự giúp đỡ tích cực của ông Nguyễn Văn Mười tức Mười Đỏi từ Long Sơn qua. Ở ấp 1, ấp 2 thôn Long Cang có các ông Hồ Văn Oanh, Dương Văn Liên, Phan Văn Vệ,… tham gia hoạt động, nhóm này do ông Năm Hạnh ở Phước Vân qua tuyên truyền, tổ chức. Ở Long Định hoạt động của hội khá mạnh. Hội viên đã tổ chức được một cuộc biểu tình có khá đông người tham gia với nhiều khẩu hiệu chống bọn tay sai của thực dân ở cầu Long Kim. Cuộc biểu tình bị đàn áp, các ông Trần Văn Chàm, Huỳnh Văn Nhẫn từ Phước Vân qua tham gia bị bắt, sau bị kết án đày đi Côn Đảo và chết trong tù. Ở Long Khê, Nguyễn An Ninh, Nguyễn Văn Tạo, Võ Công Tồn đã tổ chức được nhiều người như Lê Khánh Thụ, Hương sư Nhiêu, Hương Bộ Thơm, Cao Văn Trù, Nguyễn Văn Huy, Nguyễn Văn Chấn, Bùi Văn Chấn tức hương quản Chấn, Bùi Kim Ngoạt, Tư Khoa… lấy nhà ông Hương quản Chấn làm nơi liên lạc và hội họp.
Hoạt động của Hội kín Nguyễn An Ninh phát triển lan rộng thành phong trào khắp các thôn vùng thượng Cần Đước. Thầy giáo Nguyễn Văn Tiếp, thường gọi là giáo Tiếp trực tiếp tổ chức và điều khiển, lấy nhà ông Đỗ Đăng Sóc làm nơi liên lạc chung. Ở đây, từng có một cuộc họp quan trọng của những người đứng đầu hội kín Nguyễn An Ninh là Nguyễn An Ninh, Nguyễn Văn Tạo, Võ Công Tồn, Nguyễn Văn Nguyễn, Tạ Thu Thâu, Trần Văn Thạch,… Cuộc họp trao đổi bằng tiếng Pháp và do ông Đào Văn Ngôn canh gác.
Ở vùng hạ Cần Đước có ông Hồ Văn Long, thường gọi là giáo Long từ Sài Gòn xuống tập họp nhân dân, xây dựng tổ chức. Ông Long đã vận động được nhiều người như các ông Ngô Văn Tốt, Nguyễn Văn Túc, Trần Văn Phấn tức Hương quản Phấn, từ những người này hội kín Nguyễn An Ninh lại phát triển rộng ra. Ông Tốt đã vận động được các ông Đỗ Văn Cứng, Ngô Thiết Tùng, Phạm Văn Cứ, Nguyễn Văn Xuyến. Ông Túc có một chiếc xe chở khách thường đem xe đưa rước Nguyễn An Ninh đi tuyên truyền vận động ở các xã vùng Hạ.
Năm 1929, Nguyễn An Ninh, Võ Công Tồn bị bắt, sau đó bị thực dân đưa ra xét xử. Nhưng trước đó Nguyễn An Ninh đã liên lạc với Tân Việt cách mạng Đảng, với Hà Huy Tập, Tú Kiên và giới thiệu hệ thống các hội kín do ông tổ chức cho Tân Việt cách mạng đảng. Cho nên, khoảng cuối 1929 đầu 1930, các tổ chức hội kín Nguyễn An Ninh ở Cần Đước dần dần chuyển thành các tổ chức Đảng cộng sản, nhiều Hội viên cũng trở thành đảng viên.
Trong cuộc đối đầu có tính chất thời đại của dân tộc Việt Nam với chủ nghĩa thực dân – tư bản phương Tây, sau khi phong trào võ trang chống Pháp nửa sau thế kỷ XIX thất bại, con người Cần Đước đã lần lượt áp dụng nhiều phương cách, cách thức đấu tranh khác nhau và đã dần dần làm quen với nhiều hình thức đấu tranh của xã hội hiện đại.
Từ cuộc vận động tẩy chay Thiên chúa giáo cuối thế kỷ XIX tới cuộc vận động tuyên truyền tiến tới đấu tranh võ trang trong vụ bạo động Phan Xích Long, rồi việc tổ chức hoạt động bí mật tuyên truyền giác ngộ nhân dân trong phong trào hội kín Nguyễn An Ninh đầu thế kỷ XX, con người Cần Đước đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm đấu tranh phong phú. Sự tập dượt này đã chuẩn bị cho nhân dân địa phương bản lĩnh đấu tranh trên tất cả các phương diện công khai, bán công khai và bí mật, tạo điều kiện thuận lợi cho họ vận dụng những hình thức truyền thống cũng như sáng tạo ra những hình thức mới trong thực tiễn đấu tranh dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản, góp phần đưa ngọn cờ đỏ búa liềm và hóa thân dân tộc của nó là ngọn cờ đỏ sao vàng đi đến thắng lợi năm 1975.

ThS Nguyễn Văn Đông

Bài trướcThanh Minh: Nhặt & Cảm
Bài tiếp theoNghề hạ bạc

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây