Buổi đầu dựng nghiệp của người Cần Đước

0
422

THANH NGUYỆT
(Trích “Chuyện kể của Ba – Ông Nguyễn Văn Mười).

Đầu thế kỷ XIX, nhà Nguyễn đã định hình vùng Đồng Nai – Gia Định thành vựa lúa của cả xứ Đàng Trong. Kinh Vĩnh Tế hoàn thành, dẫn thủy nhập điền, lưng phèn, xả mặn, khai thương, giúp Nam phần nhiều bề thịnh vượng. Chính sách hộ điền, kết nối dân tộc, cởi mở tôn giáo… của triều đình và cả của người Pháp thời thuộc địa khuyến khích cư dân từ Bắc kỳ, Trung kỳ xuôi về khai phá mần ăn. Sông Đồng Nai, Soài Rạp, Vàm Cỏ dập dìu bán buôn trao đổi sản vật giữa mọi miền đất nước, ngoài là kênh giao thông chủ lực, đã nhanh chóng đảm nhận thêm vai trò làm nơi giao lưu, hội nhập.


Kiếp thương hồ

Ông Cố (thân sinh ra ông Ngoại tôi – Ông Hồ Văn Phát), đặt chân lên xứ Cần Đước, Gò Công khi tầm 20 tuổi, giỏi võ nghệ và thương mại. Ông theo cha mình cùng người em trai kế thương hồ sông nước. Trên ghe còn có ông thầy dạy võ chính gốc Tây Sơn và vài bạn bè phụ việc. Hoặc khi chiều chiều, hoặc khi giáp nước, bãi đất, sân đình là nơi mọi người trui rèn thể lực và khả năng đối kháng để tự bảo vệ mình trên bước đường mưu sinh đầy hiểm trở. Gỗ súc gõ đỏ, cẩm lai, sao, trắc, huỳnh đàn… theo ông xuôi từ rừng núi miền Trung dọc biển Đông, tới Bến Nghé thì bắt đầu neo đậu dần dà cho đến Vàm Láng, Cửa Tiểu, Cửa Đại và kết thúc hải trình tại Cửa Ba Lai. Gỗ quý được sang lại để dựng nhà cửa, đình đền, chùa chiền, miếu mạo. Sau đó quay ghe về với khẳm oằn lúa gạo và trái cây Nam kỳ Lục tỉnh, lại dần dà neo đậu buôn bán kể từ Phan Rí cho tới Hội An. Ngang qua Cần Đước, thể nào ông cũng xin cha mình cho ghe nghỉ lại vài ngày để coi hát bộ, đờn ca tài tử. Nghiệp thương hồ đã mang lại cuộc sống sung túc cho gia đình, bồi dưỡng khí chất hào hiệp cho những con người kỳ hồ lang bạt. Xứ Cần Đước trù mật, sông nước hữu tình, người Cần Đước hào hoa phong nhã, trọng nghĩa, khinh tài đã đánh thức tâm hồn lãng tử người trai xứ Quảng, ông Cố tôi muốn định cư lại đây nhưng cha ông còn ngần ngại, bởi nơi này tuy đã phát triển về kinh tế và văn hóa trước đó cả trăm năm, nhưng “Chèo ghe sợ sấu ăn chưn/Xuống bưng sợ đỉa, vô rừng sợ ma”.

Mưa dầm thấm đất, chứng kiến các trận bão ngang qua đời mình, tàn phá các tỉnh miền Trung, cộng với những thăm thẳm tháng ngày: “Ngó lên trời, trời cao trăm trượng/Ngó xuống biển, biển lượn ba đào”, chưa kể những lần đối diện tử sinh ngàn cân treo sợi tóc trên bước hải hành, đã làm người cha xuôi theo lời con, quyết định buông neo, tìm nơi an cư lạc nghiệp. Từ những năm 70 thế kỷ XIX trở về trước, ghe tàu đi từ Gia Định về Mỹ Tho hay vào Tân An đều phải vòng qua Vàm Bao Ngược, chế độ thủy văn phức tạp đã nhấn chìm bao nhiêu sinh mạng và của cải: “Anh đi ghe gạo Gò Công/Trở về Bao Ngược gió giông đứt buồm”. Năm 1879, người Pháp cho đào kinh Nước Mặn nối sông Rạch Cát và sông Vàm Cỏ, rút ngắn độ dài đường đi từ hơn 20 cây số xuống còn độ 2 cây và tránh Vàm Bao Ngược. Ghe của ông Cố tôi là một trong những chiếc đầu tiên sử dụng kinh này trong quá trình tìm đất khẩn hoang.

Làng dệt chiếu tại Long Cang

Khi thì qua bến Bà Nhờ, băng Vàm Nhật Tảo, lúc lại ngược chợ Trường Bình, ngang chùa Tôn Thạnh… Cơ duyên đưa ông rẽ nhánh sông Cần Giuộc, sâu vào rạch Cầu Tràm, mé Long Trạch, Long Khê, cây bần cây mắm mọc thành rừng, chim kêu vượn hú. Vốc một vốc nước để lắng qua đêm, nếm nghe ngòn ngọt, phá một rẻo đất, gieo một đấu lúa, 5 tháng sau quay lại, vạt lúa đã nặng đòng. Ông mừng rỡ, giết một con heo rừng cúng tạ đất trời, thành hoàng bổn thổ. Vàng bạc mang theo ông đổi lấy nông cụ, lương thực, thuốc men… rồi bắt đầu công cuộc khẩn hoang gian lao và nguy hiểm cũng không kém nghiệp thương hồ, đó đây vẫn “Cỏ mọc thành tinh/Rắn đồng biết gáy/ Dưới sông sấu lội/ Trên bờ cọp đua”.  Ông thầy dạy võ được mời ở lại với mức lương hậu hĩnh. Bạn ghe từng gắn bó, muốn đưa gia đình vào ông sẵn lòng bảo bọc gạo thóc, quần áo, thuốc men trong năm đầu khởi nghiệp.
Năm năm ròng rã, đất điền ổn định, mãnh thú lui dần, được cấp quyền tư hữu, cha ông về Quảng Ngãi, bán hết vườn ruộng heo gà. Chiếc ghe buôn lần này không chở hàng hóa mà chở gia quyến, gia đinh, nhà cửa, trâu bò, chở cả bài vị tổ tiên, căng buồm là quê nhà xa ngái! Ơn phước trời ban, đất đãi người hiền, điền trang rộng mở, chim trời cá nước, lúa thóc phủ phê, cây trái đủ bề, con cháu được dựng vợ gả chồng cho các hộ tộc lớn các vùng lân cận. Ông Cố tôi, tự mình lập đình miếu thờ thổ địa thổ thần, hàng năm cúng kiến có cả bóng rỗi, đạo tế linh đình. Xong lễ thì tới hội kéo dài, đờn ca tài tử thâu đêm, đàn bà, con gái và cả trẻ con cũng được đăng đàn thí võ.
Một chiều cách đây 86 năm, trống chiêng vang dậy, báo sẽ đánh cướp khu điền Phước Vĩnh (Long Trạch, Cần Đước) kêu gọi người nhà nộp tiền vàng để bảo toàn mạng sống. Ông Ngoại tôi là anh lớn nhất và ông Ba giữ vai trò chủ chốt, được bố trí kháng cự trực diện. Ông Cố, lúc này đã ngoài 70, cùng các con gái có nhiệm vụ bảo vệ gia quyến và tài sản. Tối đó cả chục tên cướp hoàn toàn không y phục, đốt đuốc sáng một góc trời, gióng trống xung phong, loa loa ra rả. Ông Ngoại đối thoại với tên cầm đầu, thỏa thuận không thành, và trận đấu không mong muốn đã xảy ra. Hai anh em, người côn, người roi chắn ngay cổng chính, đối địch với cả đoàn người, tả xung hữu đột. Kết cuộc đám cướp phải rút, nhưng ông Ngoại bị nội thương, ho ra máu. Khi tin ra tới bót Cầu Tràm thì mọi sự đã rồi. Ông Cố đích thân giong ghe đi Sài Gòn mời đốc tờ ở nhà thương lớn, vị bác sĩ người Pháp theo chân ông, nhưng đến nơi chỉ lẳng lặng lắc đầu. Lúc đó, ông Ngoại chưa đầy 50 và mẹ tôi chưa kịp ra đời.

Thanh Nguyệt 22/9/2022

Bài trướcDòng sông Vàm Cỏ trong âm nhạc
Bài tiếp theoTiến sĩ trẻ người Cần Đước ở Bắc Âu

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây