Nhân vật lịch sử  buổi đầu chống Pháp: Bùi Quang Diệu (Quản Là)

0
1522

ThS NGUYỄN TẤN QUỐC

ThS NGUYỄN VĂN ĐÔNG

Trận đánh đưa người nông dân vào lịch sử văn học

Trở về với những năm tháng bi hùng trong phong trào võ trang kháng Pháp nửa cuối thế kỷ XIX, sau khi thành Gia Định (2/1859) và sau đó Đại đồn Chí Hòa cũng thất thủ (2/1861),thực dân Pháp thừa thắng đánh lan ra chiếm Biên Hoà, Gò Công, Định Tường. Ở Long An, một mặt trận chống giặc hình thành rộng khắp từ Bến Lức qua Cần Đước, Cần Giuộc, đến Tân An  do các thủ lĩnh nghĩa quân như Nguyễn Trung Trực, Bùi Quang Diệu, Phạm Tiến, Phan Văn Đạt, Trịnh Quang Nghị… chỉ huy cùng với mặt trận Gò Công dưới ngọn cờ của Trương Định. Chỉ huy nghĩa quân ở vùng Cần Đước, Cần Giuộc lúc bấy giờ là Bùi Quang Diệu.

Bùi Quang Diệu hay Bùi Quang Là (thường gọi là Quản Là, Đốc binh Là), (? – 1877), người làng Mỹ Lệ, tổng Lộc Thành Trung, huyện Phước Lộc, tỉnh Gia Định, nay là xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, vốn là Cai tổng huyện Phước Lộc. Khi thực dân Pháp xâm chiếm Gia Định ông đã cùng với Trương Định, Nguyễn Trung Trực tham gia bảo vệ Đại đồn Chí Hoà dưới quyền chỉ huy của Nguyễn Tri Phương. Khi Đại đồn Chí Hoà thất thủ thì Trương Định lui về Gò Công, Nguyễn Trung Trực về Tân An, riêng Bùi Quang Diệu lui về vùng đất quen thuộc của mình là Cần Giuộc, Cần Đước tập hợp nghĩa quân tiếp tục chiến đấu, hoạt động một thời gian khá dài trong phong trào võ trang chống Pháp cho đến kết thúc phong trào của Võ Duy Dương (1864 -1866). Tên gọi Quản Là là do ông nhận chức Quản cơ, có lẽ lúc tham gia hoạt động quân sự ở Đại đồn Chí Hoà.

Người ta không biết năm sinh của Bùi Quang Diệu nhưng qua một số chi tiết có thể đoán Bùi Quang Diệu sinh khoảng từ 1820 – 1825, cùng thời với Trương Định (sinh năm 1822) vì khi thực dân Pháp xâm lược năm 1859 thì Bùi Quang Diệu đã là Cai tổng và với chức vụ nầy thì lúc đó ông cũng phải ở độ tuổi 35 – 40 và cũng phù hợp với tuổi của một thủ lĩnh nghĩa quân.

Ngọn “Hỏa hồng Nhựt Tảo” của Nguyễn Trung Trực nhấn chìm tàu Pháp “Esperance” trên dòng Nhựt Tảo (10-12-1861), phó tướng của Nguyễn Trung Trực là Huỳnh Khắc Nhượng người làng Long Định, Cần Đước. Tiếp ngay sau đó vào đêm Rằm tháng 11 năm Tân Dậu, tức16-12-1861, Bùi Quang Diệu chỉ huy 3 cánh quân tập kích đồn Tây Dương ở chợ Trường Bình, Cần Giuộc. Nghĩa quân chiếm được đồn địch, đốt nhà dạy đạo và đâm bị thương đồn trưởng Dumont, chém chết một số lính Mã tà, Ma ní. Giặc Pháp phải dùng đại bác từ tàu chiến đậu trên sông Cần Giuộc để chiếm lại đồn. Phía nghĩa quân hy sinh 15 người (có tài liệu ghi là 27 người). Có thể nói trong hai trận đánh nổi tiếng nầy đều có sự tham gia đông đảo và dũng cảm của những người nông dân Cần Đước.

Thời điểm thực dân Pháp đánh chiếm thành Gia Định (2/1859) thì gia đình nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu đang ở đây. Ông không cam sống với giặc nên đã tạm lánh về quê vợ Cần Giuộc sống nhờ trong chùa Tôn Thạnh gần chợ Trường Bình bốc thuốc, dạy học, làm thơ.Cảm kích trước tinh thần quả cảm của những người “dân ấp dân lân” trong trận đánh này, bằng ngòi bút và tâm hồn trung nghĩa, nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu đã sáng tác bài Văn tế nghĩa sỹ Cần Giuộc để đọc trong buổi lễ truy điệu tử sỹ theo yêu cầu của Tuần phủ Gia Định Đỗ Quang.

Và như chúng ta đã biết, vượt lên trên tính chất của một bài văn tế thông thường, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc đã trở thành một tác phẩm văn học độc đáo, là bản anh hùng ca của người nông dân Nam Bộ, khích lệ cao độ tinh thần yêu nước chống ngoại xâm của nhân dân ta trong hoàn cảnh bị thực dân xâm lược lúc bấy giờ.

Với Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, lần đầu tiên trong văn học Việt Nam, người “dân ấp dân lân” được vẽ lên và được ngợi ca với hình ảnh của người anh hùng. Dù vốn quanh năm “cui cút làm ăn, riêng lo nghèo khó”,“chỉ biết ruộng trâu, ở trong làng bộ” nhưng  khi “mùi tinh chiên vấy vá đã ba năm”, dù “chẳng quen cung ngựa…”, cũng chẳng đợi “ai đòi, ai bắt…”, họ sẵn sàng “làm dân chiêu mộ” với tinh thần “thà thác mà đặng câu địch khái…, hơn sống mà chịu chữ đầu Tây” …. Trước thế giặc“bòng bong che trắng lốp”, “ống khối chạy đen sì”…, người “Nghĩa sĩ Cần Giuộc” “chi nài sắm dao tu nón gõ”, chỉ với “hỏa mai đánh bằng rơm con cúi…”,“gươm đeo dùng bằng một lưỡi dao phay…” cũng không nệ “trống kỳ, trống giục…”, cũng chẳng sợ “thằng Tây bắn đạn nhỏ, đạn to, vẫn “đạp rào lướt tới, coi giặc cũng như không”,“chém rơi đầu quan hai nọ”, “làm cho Mã tà, Ma ní phải hồn kinh”…, dù “một trận khói tan” nhưng “nghìn năm tiết rỡ”…

Từ trận đánh lịch sử đến hình ảnh bất tử trở thành biểu tượng của người nông dân Việt Nam anh hùng được khắc họa trong văn học, tinh thần Nghĩa sĩ Cần Giuộc – tinh thần người nông dân yêu nước nay đã được tôn vinh thành công trình nghệ thuật Tượng đài Nghĩa sĩ Cần Giuộc tại trung tâm thị trấn Cần Giuộc.

Sau trận đánh lịch sử vào đồn Tây ở chợ Trường Bình để từ đó ra đời bài Văn tế bất hũ như đã nêu trên, thủ lĩnh Bùi Quang Diệu đã tiếp tục lãnh đạo nghĩa quân hoạt động mạnh mẽ và dũng cảm trên địa bàn Cần Giuộc, Cần Đước nhất là tổ chức đánh chặn quân Pháp từ hướng Gò Đen tiến về Cần Đước để tấn công căn cứ của Trương Định ở Gò Công. Hoạt động nầy của nghĩa quân Bùi Quang Diệu đã tỏ ra rất hiệu quả góp phần làm chậm bước tiến của quân Pháp đánh chiếm Cần Đước và Gò Công.

Nhưng do tương quan lực lượng quá chênh lệch, nhất là về vũ khí Pháp đã tập trung thủy bộ đánh chiếm được căn cứ Tân Hoà, Gò Công năm 1863 và Trương Định buộc phải tử tiết năm 1864. Nguyễn Trung Trực cũng rút về chiến đấu ở Hà Tiên, Kiên Giang. Bùi Quang Diệu và nghĩa quân kéo về căn cứ Đồng Tháp Mười chiến đấu cùng với thủ lĩnh Võ Duy Dương.

Cuộc chiến đấu kéo dài được hai năm thì thực dân Pháp đã tập trung binh lực tiêu diệt căn cứ Đồng Tháp Mười vào giữa năm 1866. Sau đó Võ Duy Dương trên đường đi thuyền ra Huế đã bị tử nạn ở cửa Cần Giờ.

Trong hoàn cảnh thế cùng lực tận đó có lẽ ông Bùi Quang Diệu thấy kéo dài cảnh binh đao cũng không thể thắng lợi mà dân binh ngày càng tổn thất nên người thủ lĩnh đầy lòng yêu nước dạn dày chiến công với 6 năm chiến đấu, với nhiều áp lực đã quyết định dừng cuộc chiến,xếp giáo ra hàng Pháp ngày 22/9/1866. Và một năm sau, 1867 thì thực dân Pháp đã chiếm xong toàn bộ Nam Kỳ

Có tài liệu cho rằng ông Bùi Quang Diệu sau khi ra hàng đã nhận hàm tri huyện, tri phủ của Pháp và qua thực tế ở Cần Đước cũng không có dư âm gì về hành vi xấu xa của ông đối với nhân dân khi về hợp tác với Pháp. Có lẽ thắng lợi chính của thực dân Pháp là đã vô hiệu hoá được một thủ lĩnh nghĩa quân, khác với trường hợp của anh hùng Nguyễn Trung Trực, tình thế cũng buộc phải nộp mình (19/9/1868), một năm sau khi thực dân Pháp chiếm toàn bộ Nam kỳ (1867) và không chịu hợp tác nên đã bị thực dân Pháp xử tử.

Những ngày tháng cuối đời ông Bùi Quang Diệu về sống với nhân dân Chợ Đào làng Mỹ Lệ, đóng góp công của xây đình Vạn Phước. Chữ Thần thờ trong đình vẫn còn dòng lạc khoản ghi do Bùi Quang Diệu hiến cúng năm 1867. Sau ngày ra hàng ông Bùi Quang Diệu sống được 11 năm thì mất (1877). Mộ ông và vợ hiện còn ở Chợ Đào, xã Mỹ Lệ, Cần Đước.

Ông Bùi Quang Diệu là một nhân vật lịch sử, một chứng nhân của một giai đoạn chiến đấu vô cùng khó khăn nhưng không kém phần hào hùng của nhân dân Cần Đước, Cần Giuộc trong buổi đầu ngăn chận bước tiến của quân xâm lược Pháp trên đất nước chúng ta.

Dù không thành công và phải chọn giải pháp hàng giặc nhưng cũng không khó hiểu trong tình thế không dễ gì trước thế hùng hãn của giặc. Điều chúng ta ghi nhận là tinh thần yêu nước và dám đánh giặc bền bĩ nhiều năm của ông với những chiến công được ghi trong sử sách. Bài vị của ông cùng với nghĩa quân cũng được thờ trong đình, chứng tỏ người dân vẫn tưởng nhớ ông và những nghĩa binh dũng cảm.

Ngoài ông Bùi Quang Diệu thì đình Vạn Phước từ năm 1996 còn thờ bài vị nhạc sư Nguyễn Quang Đại, người có công lớn trong việc hình thành nền âm nhạc tài tử Nam Bộ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể thế giới. Từ đó đình Vạn Phước đã được công nhận là Di tích lịch sừ văn hóa cấp tỉnh.

Ths Nguyễn Tấn Quốc

Ths Nguyễn Văn Đông

 

 

Bài trướcMột ngày ở huyện láng giềng: Tân Trụ
Bài tiếp theoNgười Cần Đước Online đã đem lại cảm xúc dâng trào!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây